Chiều 9/12, đồng chí Vũ Việt Văn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì hội nghị nghe Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch số 268-KH/UBND ngày 1/11/2022 của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình bố trí dân cư các vùng: thiên tai, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2023 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vũ Việt Văn phát biểu tại Hội nghị.
Theo Kế hoạch số 268-KH/UBND của UBND tỉnh, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ bố trí, sắp xếp ổn định dân cư các vùng thiên tai cho trên 3.770 hộ; trong đó, di dân, tái định cư tập trung cho 340 hộ; ổn định dân cư tại chỗ cho 3.430 hộ; bố trí, sắp xếp cho 188 hộ dân cư trú trong khu rừng đặc dụng.
Thực hiện các nhiệm vụ được giao, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành các văn bản chỉ đạo, đề nghị các huyện, thành phố rà soát, xây dựng kế hoạch bố trí ổn định dân cư phù hợp với các quy định của pháp luật, đáp ứng các yêu cầu về đất ở, đất sản xuất, nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt của Nhân dân. Đồng thời, triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, giải quyết việc làm cho các hộ dân.
Tính từ tháng 11/2022 đến 31/10/2024, Ngân hành Chính sách xã hội đã phối hợp với chính quyền các địa phương, hội, đoàn thể thực hiện ủy thác cho gần 8.290 hộ vùng thiên tai, khu rừng đặc dụng vay gần 572 tỷ đồng phát triển kinh tế.
Năm 2023, huyện Lập Thạch đã di dời 4 hộ từ khu vực núi Kháo, xã Ngọc Mỹ ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở; huyện Sông Lô đã triển khai thực hiện 2 dự án hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu ổn định đời sống dân cư tại xã Quang Yên và xã Nhân Đạo. Trong đó, xã Quang Yên đã di dời 10 hộ gia đình đến khu tái định cư mới nhưng chưa được hưởng chính sách hỗ trợ trực tiếp theo quy định.
Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vũ Việt Văn giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, đánh giá cụ thể kết quả sau 2 năm thực hiện Kế hoạch số 268-KH/UBND của UBND tỉnh, nhất là chỉ rõ những kết quả làm được, chưa làm được, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và đề xuất giải pháp thực hiện thời gian tới. Các huyện, thành phố rà soát, thống kê các khu vực có nguy cơ sạt lở trên cơ sở đó đề xuất các phương án hỗ trợ cụ thể.
Hà Giang